Kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ thắng!
Việt Nam là một dân tộc trọng tình nghĩa. Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Những nỗ lực ngoại giao yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép này ra khỏi vùng chủ quyền của Việt Nam đã không phát huy tác dụng. Giờ là lúc phải sử dụng tới pháp lý. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Danh Huy về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nếu kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, thì chúng ta có nhiều cơ hội chiến thắng
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hành động Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rồi còn chủ động dùng vũ lực với lực lượng của Việt Nam ra bảo vệ chủ quyền, dưới góc nhìn của một chuyên gia về luật biển quốc tế?
TS Dương Danh Huy: Về luật quốc tế, chúng ta cần tính đến 3 khía cạnh: quan điểm của Việt Nam, quan điểm của các chuyên gia quốc tế, và các tòa án hay trọng tài quốc tế có thẩm quyền để phân xử những vấn đề gì.
Theo quan điểm của Việt Nam, Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hành động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế vì đó là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế thì có người ủng hộ quan điểm của Việt Nam, nhưng có người ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Nếu chúng ta nghĩ đến việc ra tòa thì khía cạnh thứ ba rất quan trọng. Nếu chúng ta đúng về một vấn đề nào đó mà tòa không có thẩm quyền để phân xử thì họ cũng không thể tuyên bố rằng chúng ta đúng.
Phóng viên: Trước hành động vi phạm chủ quyền rõ ràng của Trung Quốc với giàn khoan Hải Dương 981, liệu Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa trọng tài quốc tế? Bây giờ có phải là thời điểm tốt nhất để chúng ta làm việc này không hay là phải chờ kết quả vụ kiện Trung Quốc của Philippines?
TS Dương Danh Huy: Hiện nay, Trung Quốc chưa chấp nhận trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ tòa nào thẩm quyền để công nhận Hoàng Sa là của nước nào. Điều này có nghĩa chúng ta không kiện về chủ quyền đảo được. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã dùng Điều 298 của UNCLOS để tránh không cho trọng tài UNCLOS thẩm quyền để phân xử một số loại tranh chấp biển. Điều này làm cho trọng tài UNCLOS không có thẩm quyền để công nhận giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào. Hai điều này làm cho khó đơn phương kiện Trung Quốc.
Nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn có thể đơn phương kiện rằng hành động của Trung Quốc liên quan đến giàn khoan Hải Dương-981, việc họ đàn áp ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế lân cận Hoàng Sa và chính sách ứng xử đơn phương, không đàm phán của họ đã vi phạm UNCLOS, và chúng ta có thể dùng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS để kiện, trọng tài sẽ thụ lý, và sẽ công nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS.
Đây là thời điểm tốt nhất để khởi kiện. Hơn nữa, đây là cơ hội để dùng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS để kiện mà chúng ta không nên bỏ phí.
Kiện về Hải Dương-981 là không liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines, cho nên chúng ta không phải chờ, mà cũng không nên chờ, vì sẽ lỡ thời cơ.
Phóng viên: Chúng ta nên kiện Trung Quốc riêng trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 hay là toàn bộ những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông? Chúng ta có những cơ sở pháp lý gì và cần phản chuẩn bị những gì?
TS Dương Danh Huy: Trong vụ kiện này chỉ nên kiện về giàn khoan Hải Dương-981 và tối đa là việc Trung Quốc dùng vũ lực chống ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế lân cân Hoàng Sa. Trong toàn bộ các tranh chấp, có nhiều vấn đề khác mà tòa không có thẩm quyền để phân xử.
Cơ sở pháp lý của chúng ta là:
(a) Theo Điều 57 của UNCLOS thì vùng đặc quyền khinh tế có bề rộng tối đa là 200 hải lý.
(b) Theo Điều 279,
“Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các phương pháp hòa bình theo đúng Điều 2, khoản 3 của Hiến chương liên hợp quốc và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương.”
(c) Chính sách hành xử đơn phương, không giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, hành đông đơn phương và sử dụng vũ lực, của Trung Quốc vi phạm Điều 279.
(d) Ngoài ra, chúng ta có thể nghiên cứu về kiện họ về quyền tự do hàng hải tối thiểu mà Việt Nam có trong khu vực hữu quan bất kể tòa không thể nói đó là vùng EEZ của nước nào. Hiện nay, không có gì để nói là các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát Biển Việt Nam sẽ dùng vũ lực để chống lại giàn khoan Hải Dương-981, cho nên sự cản trở của Trung Quốc đã vi phạm quyền quyền tự do hàng hải đó.
Nhưng điểm (c) quan trọng hơn điểm (d).
Ỏ đây chúng tôi xin nói thêm rằng mặc dù Trung Quốc đã vi phạm Điều 74, nhưng đáng tiếc là trọng tài UNCLOS sẽ không có thẩm quyền để diễn giải và áp dụng Điều này, vì Trung Quốc đã tuyên bố né tránh nó theo Điều 298. Nếu không có tuyên bố tránh né đó, khả năng là tòa sẽ công nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm.
Phóng viên: Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì đâu là sự giống và khác nhau trong hồ sơ kiện của ta với Philippines? Philippines đã chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc trong bao lâu và như thế nào?
TS Dương Danh Huy: Giống nhau ở chỗ trong cả hai trường hợp đều có đảo trong tình trạng tranh chấp chủ quyền cách bờ dưới 200 hải lý. Khác nhau ở nhiều điểm:
Đảo Phú Lâm lớn hơn đảo lớn nhất ở Trường Sa (đảo Ba Bình) và có ít khả năng hơn là trong tài sẽ cho đó là đảo đá theo UNCLOS 121, không có vùng đặc quyền kinh tế.
Khu vực Philippines kiện Trung Quốc không có chồng lấn với EEZ của Hải Nam. Địa điểm của Hải Dương-981 có chồng lấn EEZ với EEZ của đảo Hải Nam.
Hai điều trên có nghĩa Philippines có khả năng được trọng tài công nhận rằng một số địa điểm trong đơn kiện của họ là thuộc EEZ của Palawan hay Louzon, nhưng trọng tài không có thẩm quyền để công nhận rằng địa điểm của Hải Dương-981 là thuộc EEZ của Lý Sơn và đất liền Việt Nam. Trong trường hợp Hải Dương-981, trọng tài chỉ có thẩm quyền để công nhận đó nằm trong vùng chồng lấn EEZ.
Ngoài ra, khu vực Philippines kiện Trung Quốc có tranh chấp đa phương. Vấn đề Hải Dương-981 là tranh chấp song phương.
Sau việc tàu hải giám Trung Quốc dọa đâm tàu khảo sát dầu khí cho Philippines tại bãi Cỏ Rong khoảng đầu năm 2011, vào giữa năm đó, Philippines tuyên bố rằng sẽ kiện Trung Quốc. Đầu năm 2013 họ chính thức nộp tuyên bố khởi kiện. Và khoảng cuối tháng 3/2014 họ nộp hồ sơ kiện.
Phóng viên: Được biết nếu muốn tòa xét xử thì các bên tranh tụng phải thừa nhận thẩm quyền của tòa. Việt Nam đã thừa nhận Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa trọng tài quốc tế chưa? Và vì sao Trung Quốc luôn muốn né tranh việc quốc tế hóa các tranh chấp trên Biển Đông?
TS Dương Danh Huy: Chưa. Nhưng việc Việt Nam tham gia UNCLOS có nghĩa Việt Nam chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS. Trong việc tham gia, Việt Nam đã không tuyên bố bảo lưu theo Điều 298.
Trung Quốc né tránh quốc tê hóa là vì họ muốn dung sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để áp đặt yêu sách của họ lên Việt Nam và các nước khác.
Phóng viên: Liệu chúng ta có thể đơn phương kiện Trung Quốc hay không? Và bản án trong trường hợp này có giá trị không?
TS Dương Danh Huy: Như đã trình bày trên, chúng ta có thể dung thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS để đơn phương kiện. Bản án sẽ hoàn tòa có giá trị pháp lý.
Phóng viên: Theo ông, liệu Việt Nam có thể thắng nếu kiện Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 không? Trong trường hợp đó, liệu Trung Quốc có tôn trọng phán quyết của tòa?
TS Dương Danh Huy: Như đã trình bày trên, chúng ta có nhiều khả năng thắng. Từ khi Trung Quốc bắt đầu đòi Hoàng Sa năm 1909 cho đến nay, chưa bao giờ họ bị tòa cho rằng đã vi phạm luật quốc tế trong tranh chấp. Nếu chúng ta ra tòa về Hải Dương-981 và thắng, đó sẽ là một bước đột phá. Chúng ta không biết Trung Quốc có sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa không, nhưng nếu họ không tôn trọng thì giá họ phải trả trong lãnh vực ngoại giao và dư luận sẽ là lớn nhất từ trước đến nay.
Phóng viên: Tác động quốc tế của đơn kiện Việt Nam ra tòa án quốc tế chống Trung Quốc?
TS Dương Danh Huy: Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì trước nhất thế giới sẽ thấy Việt Nam không sợ công lý. Nếu Trung Quốc dựa vào tuyên bố của họ theo Điều 298 để không cho tòa áp dụng Điêu 74 thì thế giới sẽ thấy rằng Trung Quốc sợ công lý. Nếu Việt Nam vẫn thắng vì tòa công nhận Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS thì điều đó sẽ tác động rất nhiều đến quốc tế. Và nếu tòa công nhận rằng Trung Quốc đã vi phạn những điều khác của UNCLOS, thí dụ như Điều 279, thì sẽ có lợi rất nhiều cho Việt Nam. Như vậy, tất cả những điều này đều có lợi cho Việt Nam.
Tiến sĩ vật lý Dương Danh Huy sống tại Anh. Ông có nhiều năm nghiên cứu về tranh chấp biển Đông và hiện là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Nhiều bài báo về chủ đề này của ông đã được đăng tải trong và ngoài nước.
(Theo Petrotimes)
0 comments:
Post a Comment