"Tôi từng nghẹt thở khi biết chị gái mình bị người ta đâm rồi bỏ chạy"
Kẻ gây ra tai nạn sau khi để lại người thân của tôi nằm cứng đờ trong vũng máu, đã trốn chạy khỏi hiện trường. Gia đình tôi đã có người muốn ngay lập tức đòi tìm ra để “sống chết” với tên tài xế đâm rồi bỏ chạy đó...
Ngày hôm qua, sự việc một nữ sinh bị ô tô đâm trọng thương trên phố Xã Đàn rồi bỏ chạy đã thực sự khiến dư luận phẫn nộ. Mọi căm phẫn được đẩy lên cao trào khi nhân chứng kể lại, chiếc ô tô đã cố tình cán cô gái đến lần thứ 2. Sự việc đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả.
Hôm nay, độc giả có email lequynhvy12...@gmail.com đã gửi một bức thư về cho chúng tôi, dưới góc độ là một người từng có người thân bị tai bạn, và kẻ gây tai nạn cũng đã bỏ chạy. Chúng tôi xin trích đăng nguyên vẹn bức thư.
----
Chào ban biên tập
Câu chuyện về cô nữ sinh Học viện Ngân hàng bị người ta đâm người rồi bỏ chạy ở Xã Đàn, chỉ là một trong số nhỏ những câu chuyện về sự độc ác của con người trong phút chốc hoảng loạn. Đối với những gia đình đã từng có nạn nhân rơi vào trường hợp tương tự hiếm hoi như tôi, có lẽ hiểu hơn ai hết sự đau xót và bàng hoàng khi nghe tin người thân bị nạn. Càng căm giận và phẫn uất và hơn nữa khi biết tin, người tài xế kia sau khi gây ra tai nạn một cách sơ ý, đã cố ý tước đi sinh mạng người.
Không ít người đã truyền đi truyền lại câu nói này: Những người lái xe ô tô, đặc biệt là ô tô trọng tải lớn, khi gây ra tai nạn có một nguyên tắc chung, kể cả người ta vẫn sống, cũng phải khiến nạn nhân tử vong mới thôi. Bởi vì như thế, cả người nhà và người gây tai nạn đều không phải gánh vác trách nhiệm cho phần đời còn lại nếu nạn nhân trở nên tàn phế. Điều này không phải là việc vô nhân đạo như mọi người vẫn nghĩ, mà là sự lương thiện của cánh lái xe.
Tôi không biết điều này là đúng hay sai, liệu có tồn tại câu nói đó ở ngoài đời thực hay không. Nhưng nếu có, hãy dừng lại đi. Những người cầm vô lăng đâu có quyền tự cho mình lựa chọn việc sống hay chết của người khác?
Báo chí, truyền thông càng tường thuật về tình trạng của nạn nhân, công chúng càng cảm thấy thương cho cô gái, phẫn nộ trước hành động dã man của người lái xe gây tai nạn. Nhưng chỉ những người đã từng trải qua cảm giác oan ức bởi bỗng dưng đùng một cái phải chịu một cú sốc về sự tàn khốc khi nhân tính bị đánh cắp.
Cách đây 2 năm, chị gái của tôi bị tai nạn giao thông. Khi ấy, đầu óc tôi trống rỗng, chỉ văng vẳng một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại: Tại sao lại là người thân của tôi? Người thân của tôi có tội gì mà tại sao không phải là người khác? Bất cứ ai khi rơi vào hoàn cảnh ấy cũng sẽ hỏi một câu như thế. Bởi vì nỗi đau xót khi chứng khiến người thân của mình bỗng dưng toàn thân bê bết máu, thoi thóp từng hơi thở. Khi mà cơn nguy kịch còn chưa qua khỏi, nhịp tim yếu ớt đến nỗi phải căng mắt theo dõi từng giây, thì sự căm giận không thôi đâu phải đã là đủ?
Kẻ gây ra tai nạn sau khi để lại người thân của tôi nằm cứng đờ trong vũng máu, đã trốn chạy khỏi hiện trường. Gia đình chúng tôi đã từng có người muốn ngay lập tức đòi gặp thủ phạm để “sống chết” tên tài xế đâm rồi bỏ chạy đó... Ai cũng chung một nỗi đau đớn, và sự chờ đợi mòn mỏi đến nghẹt thở, rất rất lâu cho đến khi người thân của tôi vượt qua cơn nguy kịch.
Tôi muốn nói rằng, tất cả mọi người đang bàn luận, có mấy ai là thật sự hiểu cho nỗi đau của gia đình cô gái hay không? Có hiểu được sự đau đớn khi người nhà của mình đang sống vui vẻ, lành lại phải đối diện với sinh mệnh đang chỉ còn một nửa?
Có người bảo phải đặt vào tình trạng của người lái xe, anh ta điều khiến trong lúc say rượu, không kiểm soát được hành vi, nên đâm chết người cũng là điều vô ý. Có người lại nói, anh ta không say, chỉ vì quá luống cuống không biết cách xử lý mà gây ra hậu quả nặng nề.
Người ta có thể để sự việc xảy ra rồi và bắt đầu bao biện cho lỗi lầm, và xin tha thứ. Nhưng còn nạn nhân và người nhà của họ, những người bỗng dưng tai ương ập đến và phải đối diện với sinh tử cận kề, những người chỉ trong phút chốc là có thể phải nói lời tiễn biệt với người thân nằm yên bất động. Những người đã từng rơi vào hoàn cảnh ấy như chúng tôi, có thể nói lời tha thứ như thế nào?
Không chỉ một mình trường hợp này, mà đã từng có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm như thế đã từng xảy ra. Chỉ có điều không được mọi người biết đến, chỉ có điều báo chí truyền thông không đưa tin hoặc chỉ đề cập đến sơ sài. Và rất nhiều người đã phải chịu đựng nỗi đau mất mát, bởi vì sự nhẫn tâm của người cầm lái.
Vẫn biết sự đã rồi không thể làm lại, kể cả người lái xe kia có đền bằng cả tính mạng cũng không thể trả lại cô gái kia nguyên vẹn như trước. Bởi chị gái của tôi cũng vì di chứng tai nạn mà mất đi khả năng lao động và sinh hoạt như người bình thường. Nhưng chúng tôi không tìm ra người gây tai nạn. Người lẽ ra nên chịu một phần trách nhiệm về hành vi bất cẩn của mình đã trốn thoát. Gia đình chúng tôi phải chạy chọt, vay chỗ này, mượn chỗ kia để có chi phí phẫu thuật, đến vẫn giờ trả chưa hết nợ. Bạn có hiểu được cái cảm giác đang yên lành, bỗng tiền mất, tật mang? Hôm nay, nhìn thấy bức ảnh cô gái nằm trên vũng máu, rồi cái cảnh cô ấy nằm trong bệnh viện với cái đầu cạo trắng, nước mắt tôi bỗng ứa ra.
Những nỗi đau không thể tự biến mất, nó phải dày vò người ta mỗi ngày. Đối với người Việt, còn sống là còn hy vọng. Vậy mà tại sao có những vụ tài xế phải đâm người đến chết? Vậy mà vẫn có trường hợp phần con lấn lướt phần người, để rồi nhẫn tâm nhìn cơ thể đang sống quằn quại dưới bánh xe?
Nếu chỉ là vô tình gây tai nạn, mọi thứ sẽ khác. Nếu chỉ là đụng phải cô gái, nhưng rồi kịp thời đưa cô ấy vào bệnh viện, mọi thứ sẽ khác. Nhưng không, sự việc vẫn xảy ra như thế, đẩy người vô tội vào lằn ranh sinh – tử, đẩy người nhà cô gái vào tận cùng đau đớn. Và tất cả chúng ta ở thời điểm này, khi đây chỉ là câu chuyện xảy ra ngoài xã hội để thương xót người bị nạn trong phút chốc, thì mọi câu nói hay lời bình phẩm gì cũng chỉ là vô ích mà thôi!
Nguồn: Kenh14.vn
0 comments:
Post a Comment